Thủ tục lễ ăn hỏi gồm những gì? Trình tự chi tiết & đầy đủ nhất 2023
Nội dung bài viết
- 1. Thủ tục lễ ăn hỏi là gì?
- 2. Những việc cần chuẩn bị cho thủ tục lễ ăn hỏi
- 3. Trình tự thủ tục lễ ăn hỏi chi tiết
- 3.1. Nhà trai di chuyển đến nhà gái để tiến hành lễ ăn hỏi
- 3.2. Hai bên gia đình chào hỏi, trò chuyện và trao lễ vật
- 3.3. Cô dâu ra mắt họ hàng hai bên gia đình
- 3.4. Dâng các lễ vật cưới và thắp hương bàn thờ gia tiên tại nhà gái
- 3.5. Hai gia đình bàn bạc, thống nhất ngày giờ tổ chức lễ cưới
- 3.6. Nhà gái mời phái đoàn nhà trai dùng bữa cơm thân mật
- 3.7. Nhà gái lại quả sính lễ & trao lì xì cho nhau trong thủ tục lễ ăn hỏi
- 4. Những điều thú vị trong thủ tục lễ ăn hỏi có thể bạn chưa biết
Lễ ăn hỏi là một nghi thức quan trọng trong phong tục hôn nhân truyền thống của người Việt Nam. Đây là một nét đẹp trong văn hoá cưới hỏi mà các cặp đôi không thể bỏ qua trong ngày trọng đại. Lễ ăn hỏi là truyền thống và được duy trì từ ngàn xưa tới nay. Cùng Trang Kim Luxury tìm hiểu về các thủ tục lễ ăn hỏi để chuẩn bị tốt và đảm bảo ngày trọng đại diễn ra suôn sẻ nhé!
1. Thủ tục lễ ăn hỏi là gì?
Lễ ăn hỏi còn có tên gọi khác là đám hỏi hoặc lễ đính hôn. Đây là một nghi lễ quan trọng trong phong tục cưới hỏi của người Việt. Là ngày lễ được xem là lời thông báo chính thức về việc hứa gả giữa hai gia đình. Là giai đoạn mà đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Chàng rể sau khi mang lễ vật tới nhà gái sẽ chính thức được nhận làm rể, có thể gọi bố mẹ và xưng con.
Lễ ăn hỏi là thời điểm nhà trai đem lễ vật đến nhà gái để xin kết duyên cho đôi trẻ. Sau khi lễ thành, hai bên gia đình sẽ cùng nhau thống nhất ngày lành tháng tốt để tổ chức đám cưới.
Về ý nghĩa, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng lễ ăn hỏi còn quan trọng hơn lễ rước dâu và tiệc cưới. Vì trong lễ ăn hỏi, nhà trai sẽ mang tráp lễ đến nhà gái hỏi cưới. Sau đó nhà gái sẽ nhận lễ ăn hỏi và nạp tài, tức là đồng ý cuộc hôn nhân này và công nhận chàng rể trong nhà. Kể từ ngày ăn hỏi, cặp đôi đã chính thức trở thành vợ chồng sắp cưới. Chỉ chờ ngày cưới để công bố với họ hàng, bạn bè.
2. Những việc cần chuẩn bị cho thủ tục lễ ăn hỏi
Vì mang ý nghĩa quan trọng với cặp đôi và hai bên gia đình nên thủ tục lễ ăn hỏi luôn được tuân thủ nghiêm ngặt. Các gia đình thường bỏ nhiều thời gian, công sức để chuẩn bị cẩn thận, đảm bảo lễ ăn hỏi diễn ra đúng phong tục, tập quán.
Tuỳ vào từng vùng miền mà thủ tục lễ ăn hỏi sẽ có những thay đổi nhỏ mà hai bên gia đình cần lưu ý.
2.1. Xác định số người tham dự lễ ăn hỏi
Thành phần tham gia lễ ăn hỏi là điều mà các gia đình cần chuẩn bị và xác định từ trước. Vì dù áp dụng thủ tục lễ ăn hỏi như thế nào, dù cho gia đình thích các nghi lễ truyền thống hay hiện đại thì thành phần tham gia cũng quyết định đến sự thành công của buổi lễ và giúp gắn kết hai bên gia đình. Cụ thể là:
- Với nhà trai: Những người tham dự gồm chú rể, trường đoàn (chủ hôn), ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột thịt, họ hàng và bạn bè thân thiết của chú rể và gia đình chú rể. Đặc biệt, nhà trai cần nhờ hoặc thuê một đội ngũ các bạn nam độc thân, có ngoại hình dễ nhìn để bưng tráp. Số người bưng tráp phụ thuộc vào số mâm lễ nhà trai chuẩn bị.
- Với nhà gái: Thành phần tham dự gồm cô dâu, ông bà, bố mẹ, họ hàng, bạn bè thân thiết của cô dâu và đội bê tráp nữ.
2.2. Chuẩn bị đội ngũ bê tráp
Để có một buổi lễ ăn hỏi thành công và chất lượng thì cô dâu và chú rể cần lựa chọn đội hình bê tráp ấn tượng. Đầu tiên, nhà trai và nhà gái phải thống nhất số lượng lễ vật để chọn lựa và sắp xếp đội hình bê tráp sao cho đầy đủ và phù hợp. Khi lựa chọn đội hình bê tráp thì hai bên gia đình cần chọn những nam thanh, nữ tú chưa có gia đình và thường là những người ít tuổi hơn cô dâu chú rể.
Khi chọn đội hình bê tráp, tân nương tân lang cần chú ý chọn những người có chiều cao và cân nặng đồng đều nhau để đội hình bê tráp đẹp và ấn tượng hơn. Hiện nay có rất nhiều dịch vụ cho thuê người bê tráp, nếu cô dâu chú rể không chọn được đội hình bê tráp cho mình trong lễ ăn hỏi thì có thể tìm tới các dịch vụ cho thuê người bê tráp.
2.3. Sính lễ đám hỏi đầy đủ theo phong tục, truyền thống người Việt
Nếu trước lễ ăn hỏi, nhà gái chú trọng đến việc dọn dẹp, trang trí nhà cửa, chuẩn bị địa điểm tổ chức lễ ăn hỏi thì nhà trai phải dành thời gian, công sức để chuẩn bị tráp lễ vật ăn hỏi mang tới nhà gái. Tráp lễ vật ăn hỏi cũng là một trong những điểm khác giữa thủ tục ăn hỏi miền Bắc và các miền khác.
Ví dụ, đều cùng là những mâm lễ nhưng theo phong tục lễ ăn hỏi miền Bắc thì số lễ hỏi thường là số lẻ như: 5 tráp lễ, 7 tráp lễ hay 9 tráp lễ. Trong khi đó thủ tục cưới hỏi ở miền Nam thì số tráp lễ sẽ là số chẵn như 6 tráp lễ, 8 tráp lễ,... Thêm vào đó, thành phần tráp lễ cũng có thể đa dạng theo từng vùng miền. Ví dụ, các mâm lễ ăn hỏi miền Bắc thường có mâm bánh cốm còn lễ ăn hỏi miền Nam thường có mâm quả xôi gấc.
Tất nhiên, ngày nay việc cô dâu miền Bắc gả vào miền Nam hoặc cô dâu miền Nam gả ra miền Bắc đã không còn xa lạ, do đó yêu cầu với các mâm hỏi cũng trở nên linh hoạt hơn.
2.4. Trang phục nên mặc trong lễ hỏi
Trong lễ ăn hỏi, thông thường cô dâu chú rể sẽ mặc áo dài và khăn xếp truyền thống. Bên cạnh việc chọn lựa thuê hoặc may trang phục đám hỏi cũng cần được lên kế hoạch trước lễ ăn hỏi 4-6 tháng. Cô dâu có thể chọn mặc áo dài truyền thống, áo dài cách tân hoặc đầm hiện đại. Còn chú rể có thể mặc áo dài, đồ vest.
Trong đám hỏi, cô dâu và chú rể là nhân vật chính. Do đó, các yếu tố về trang phục, cách trang điểm hay kiểu tóc đều phải phục vụ với mục đích làm nhân vật chính nổi bật hơn. Trang phục của đội bê tráp phải được chọn theo lễ phục của cô dâu chú rể nhưng không được nổi bật hơn. Tuy nhiên, bạn cũng không được làm qua loa vì đây cũng là những nhân vật quan trọng của buổi lễ.
Địa điểm tổ chức lễ ăn hỏi cũng là một trong những yếu tố chi phối câu hỏi “đám hỏi nên mặc gì?”. Bởi ở những không gian khác nhau sẽ có tính chất khác nhau. Nếu lễ ăn hỏi được tổ chức ở nhà thì hãy chọn đồ lịch sự. Còn ở sân vườn ngoài trời thì cô dâu chú rể nên ưu tiên sự thoải mái. Nếu địa điểm tổ chức là khách sạn hay nhà hàng thì đừng quên đặt tiêu chí sang trọng lên hàng đầu.
Bên cạnh đó, bạn cần chuẩn bị trang phục cho bố mẹ hai bên. Nếu lựa chọn thuê trang phục thì hãy đặt luôn dịch vụ trang điểm tại các studio đó. Bởi vì không chỉ có cô dâu mới cần make up mà hai mẹ và đội bưng lễ cũng cần được make up trong ngày trọng đại. Điều này giúp bạn tiện lợi, tiết kiệm hơn trong việc đặt lịch cũng như giúp studio có thể chăm sóc bạn từ A đến Z.
3. Trình tự thủ tục lễ ăn hỏi chi tiết
Như đã chia sẻ phía trên, thủ tục lễ ăn hỏi ở mỗi vùng miền đều có các đặc trưng, nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên về cơ bản, hai bên gia đình sẽ trải qua các bước sau:
3.1. Nhà trai di chuyển đến nhà gái để tiến hành lễ ăn hỏi
Sau khi chuẩn bị đầy đủ lễ vật cho đám ăn hỏi, nhà trai sẽ xuất phát tới nhà gái cho kịp giờ lành đã hẹn. Thông thường, nhà trai sẽ đến sớm từ 25-30 phút sau đó chờ đến giờ lành rồi mới chính thức bước vào nhà gái. Đoàn đại diện của nhà trai sẽ đi theo thứ tự là ông bà, các bậc cao niên đại diện gia đình sau đó đến cha mẹ, chú rể, đội bưng tráp và cuối cùng là các thành viên khác trong gia đình.
3.2. Hai bên gia đình chào hỏi, trò chuyện và trao lễ vật
Hai bên gia đình sẽ trao đổi từ trước để chọn giờ lành. Do đó, nếu nhà trai đến sớm để chuẩn bị vào nhà làm lễ thì nhà gái cũng cần chuẩn bị đội hình đón tiếp và hỗ trợ hoàn thành các nghi lễ trong lễ ăn hỏi.
Thông thường, cô dâu và các vị đại diện gia đình nhà gái sẽ ra cổng để đón tiếp phái đoàn nhà trai. Sau khi đại diện hai bên gia đình chào hỏi, đội bưng tráp lễ của nhà trai sẽ tiến vào trao lễ vật cho nhà gái. Sau khi chụp ảnh và đặt các mâm lễ vật lên vị trí trang trọng được nhà gái chuẩn bị trước, đội mâm quả sẽ trao nhau phong bao lì xì trả duyên,
Trị giá các phong bao lì xì sẽ được nhà trai và nhà gái thống nhất từ trước. Nó thường là một số tiền nhỏ như lời chúc tình duyên may mắn cho những nam thanh nữ tú bê lễ trong ngày ăn hỏi.
3.3. Cô dâu ra mắt họ hàng hai bên gia đình
Trong nghi lễ cưới hỏi truyền thống của người Việt, nếu gia đình nhà gái nhận lễ của nhà trai thì tương đương với việc đồng ý gả con gái. Do vậy khi nhà gái đã nhận lễ và cảm ơn, khi 2 mẹ 2 bên cùng mở ra các tráp lễ thì cha mẹ cô dâu sẽ đưa con gái ra mắt hai bên gia đình hoặc cho phép chú rể vào trong đón cô dâu ra chào hỏi.
3.4. Dâng các lễ vật cưới và thắp hương bàn thờ gia tiên tại nhà gái
Sau khi cô dâu tương lai xuất hiện và chào hỏi hai bên gia đình thì đôi trẻ sẽ cùng nhau rót trà, mời nước mọi người. Sau đó, mẹ cô dâu sẽ chọn ra một số lễ vật trong mâm lễ và lễ đen nhà trai mang tới để dâng lên bàn thờ gia tiên. Đôi uyên ương sẽ được phép thắp hương lên bàn thờ gia tiên nhà gái để kính báo gia tiên về việc cả hai muốn về chung một nhà và cầu gia tiên phù hộ, che chở.
Ở một số địa phương, việc thắp hương gia tiên được tiến hành ngay sau khi chú rể lên phòng đón cô dâu với hàm ý xin phép tổ tiên cho cô dâu về nhà chồng. Đây cũng là lúc gia tiên nhà gái biết sự hiện diện của chú rể và đón nhận chàng trai làm con cháu trong nhà.
3.5. Hai gia đình bàn bạc, thống nhất ngày giờ tổ chức lễ cưới
Bước tiếp theo trong thủ tục ăn hỏi là hai bên gia đình sẽ bàn bạc về đám cưới. Mặc dù trong những năm gần đây, thủ tục lễ ăn hỏi đã đơn giản hơn rất nhiều nhưng việc bàn bạc về đám cưới vẫn là điều quan trọng không thể bỏ qua.
Trong quá trình bàn bạc, đại diện hai bên gia đình sẽ lần lượt trình bày, thưa gửi hai bên về việc xin dâu về nhà chồng, mời nước và trà định ngày cưới. Đồng thời cũng đề cập một số lưu ý trong ngày trọng đại của hai con, hai chúa trong gia đình.
Vì đây là bước quan trọng của bố mẹ hai bên và các bậc cao niên trong dòng họ nên cô dâu chú rể chỉ cần mời nước. Sau đó có thể ra ngoài chụp hình cùng người thân, bạn bè và đội bưng lễ.
3.6. Nhà gái mời phái đoàn nhà trai dùng bữa cơm thân mật
Theo truyền thống thì nhà gái sẽ mời đại diện nhà trai tham dự lễ ăn hỏi ở lại sau buổi lễ để dùng bữa cơm thân mật với bên nhà gái. Bữa cơm này có thể tổ chức tại tư gia hoặc đặt tại một nhà hàng hoặc quán ăn nào đó, miễn sao thuận tiện cho hai bên là được.
Bữa ăn này không nhất thiết phải “mâm cao cỗ đầy” nhưng cũng cần tươm tất cỗ 5 hoặc 7 món để thể hiện sự hiếu khách và tài nữ công gia chánh của nhà gái.
3.7. Nhà gái lại quả sính lễ & trao lì xì cho nhau trong thủ tục lễ ăn hỏi
Theo thủ tục lễ ăn hỏi, vì nhà trai đã mang tới rất nhiều lễ vật nên để bày tỏ thành ý, phía nhà gái cũng nên có những món quà lại quả cho nhà trai. Các món quà này thường không mang quá nhiều giá trị vật chất, cũng không cần sự bàn bạc trước của hai bên gia đình.
Tất nhiên, dù thủ tục lại quả sính lễ xuất hiện ở mọi miền trong cả nước nhưng tùy từng địa phương mà lễ lại quả có sự khác nhau. Ở một số nơi, nhà gái sẽ lại quả bằng chính lễ vật ăn hỏi mà nhà trai mang tới. Lúc này, mọi lễ vật phải chia và tách bằng tay (không dùng dao kéo vì việc tách bằng dao kéo có thể mang lại điềm không tốt cho đôi trẻ).
Bên cạnh lại quả, nhà gái cũng cần chú ý mâm lễ vật trả lại nhà trai phải để ngửa nắp. Sau khi nhận lại mâm lễ, nhà trai sẽ xin phép ra về và kết thúc lễ ăn hỏi.
4. Những điều thú vị trong thủ tục lễ ăn hỏi có thể bạn chưa biết
Bên cạnh những thông tin trên, thủ tục lễ ăn hỏi cũng có những điểm thú vị mà chưa chắc bạn đã biết:
- Sau lễ ăn hỏi, nhà gái thường dùng các lễ vật nhà trai mang tới và chia ra từng gói nhỏ để làm quà biếu cho họ hàng, bạn bè, bà con làng xóm,... Với mục đích thông báo tin vui rằng con gái đã có nơi có chốn.
- Ngày xưa, cô dâu thường mặc áo dài trong đám hỏi và đội mấn cao trên đầu. Hiện nay, trang phục đám hỏi đã hiện đại hơn, cô dâu chú rể có thể chọn bất kỳ màu sắc nào mình yêu thích, miễn là thể hiện sự trang trọng, nổi bật và lịch sự.
- Dù chia bánh trái, cau trầu là số chẵn thì cũng phải là bội số của 2. Ngày nay, việc chia bánh thường kèm theo thiệp của đôi bên để báo tin đính hôn của đôi uyên ương.
Để đám cưới diễn ra suôn sẻ và đẹp lòng hai bên gia đình thì các thủ tục lễ ăn hỏi cũng vô cùng quan trọng. Vốn được xem là nét đẹp truyền thống trong văn hoá cưới hỏi của người Việt, hai bên gia đình cần chuẩn bị chu đáo cho lễ ăn hỏi. Trang Kim Luxury mong rằng bài viết trên sẽ có ích cho đôi uyên ương sắp cưới.
TVQuản trị viênQuản trị viên
Xin chào quý khách. Quý khách hãy để lại bình luận, chúng tôi sẽ phản hồi sớm